Công dụng của chè vằng đối với sức khỏe chúng ta
Chia sẻ bài viết cho bạn bè
Tìm hiểu về cây Chè Vằng
Chè vằng còn gọi là chè cước man, dây cẩm văn, cây dâm trắng, dây vắng, mổ sẻ. Tên khoa học Jasminum subtriplinerve Blume. Thuộc họ nhài Oleaceae.
Chè vằng là một cây nhỏ, mọc thành bụi ở bờ rào hay bụi tre hoặc bám vào các cây lớn. Thân cây cứng chia thành từng đốt, đường kính 5-6 mm, chia thành nhiều cành, có thể vươn cao 1-1,5 m và vươn dài tới 15-20 m, thân và cành đều nhẵn. Lá mọc đối, hình mũi mác, phía cuống tù hay hơi tròn, đầu lá nhọn, những lá phía trên nhỏ hơn lá phía dưới. Hoa mọc thành xim nhiều hoa (chừng 7-9 hoa), cánh hoa màu trắng.
Cây chè vằng hiện nay mọc hoang ở khắp nơi trên nước ta, từ Nam chí Bắc. Tại miền Bắc có ở Hòa Bình, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Tại miền Nam, đồng bào thường dùng dây vằng để đan rế và đánh dây thừng vì dây vằng vừa dẻo vừa dai. Nhân dân thường hái lá quanh năm làm thuốc hay để đun nước tắm ghẻ. Dùng tươi hay phơi khô để dành.
Chè vằng có đặc tính mát, rất tốt cho tất cả mọi người nhưng kiến nghị người huyết áp thấp và trẻ em dưới 2 tuổi không nên sử dụng Chè vằng. các đối tượng còn lại có thể dùng chè vằng thay cho nước uống hằng ngày với các lợi ích sau:
Chè Vằng giải độc, mát gan
- Chè vằng rất mát gan, nếu bạn nóng trong người, mụn nhọt, hay dùng bia rượu và thức ăn nóng thì nên dùng Chè vằng.
- Người mất ngủ ăn không ngon, người bị chứng nặng bụng, bụng hay cương cứng dùng chè vằng sẽ giảm đáng kể có thể nhận biết trong khoảng 1 tuần sử dụng thường xuyên. Lưu ý: Tác dụng ngủ ngon chỉ tác dụng trên 80% đối tượng và không tác dụng ngay lần đầu sử dụng, cần sử dụng thường xuyên sau 3 ngày mới cải thiện từ từ.
- Cao huyết áp, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, bệnh nhân tiểu đường: Chè vằng hay Cao Chè vằng không phải là thuốc nên không thay cho thuốc, nhưng Cao Chè vằng hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân bị 1 trong số các bệnh trên rất tốt, đặc biệt đối với người Cao huyết áp.
- Nhân dân nhiều tỉnh dùng lá vằng phơi khô nấu hay pha nước uống hàng ngày hay cho phụ nữ sau khi sinh uống. Có nơi dùng lá nấu nước tắm cho trẻ con bị ghẻ lở. Tại miền Nam, nhân dân dùng lá chữa sưng vú, cho phụ nữ mới sinh uống, còn dùng chữa rắn cắn, rễ mài với giấm thanh để làm hết mủ những ung nhọt đã nung mủ. Liều uống hàng ngày: 20-30 g lá khô. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Chè vằng lợi sữa
- Một trong những tác dụng tốt nhất và được quan tâm của Chè vằng là lợi sữa, kháng viêm rất cao đối với phụ nữ sau khi sinh. Phụ nữ sau khi sinh nên dùng Chè vằng ngay trong những giờ đầu nhằm giúp kháng viêm, làm sạch cơ thể và tính chất tác dụng lợi sữa tốt nhất. Chè vằng lợi sữa hiện được nhiều bác sỹ sản khoa và các trung tâm chăm sóc bà mẹ sau khi sinh khuyên dùng.
Kinh nghiệm dùng lá chè vằng của bệnh viện Thái Bình
Dùng lá chè vằng giã nát đắp vào nơi áp xe vú hoặc giã lá với cồn 50 độ rồi đắp vào nơi áp xe. Ngày 3 lần, đêm 2 lần. Thời gian điều trị thường là 1 ngày đến 1 tuần tùy theo bệnh nặng hay nhẹ và được bắt đầu chữa bằng lá chè vằng sớm hay muộn, trung bình 1,5 đến 2 ngày. Bệnh nhân điều trị bằng chè vằng thường hết sốt sau 2 giờ dùng thuốc, sau khi khỏi bệnh, công thức và số lượng bạch cầu trở lại bình thường, sữa cũng trở lại bình thường.
Cao lá vằng và Cao Chè vằng có gì khác?
Cao Lá vằng và Cao Chè vằng là 2 tên gọi khác nhau cùng loại Cao thực vật được chiết suất từ cây Chè vằng. Cao Lá vằng không có nghĩa là được chiết suất chỉ từ lá mà được chiết từ lá và thân cây. Cao lá vằng thường được gọi trong dân gian.
Hiện nay vì lợi nhuận nên một số cơ sở kinh doanh bán loại cao kém chất lượng, giá thành cao. Vậy nên khi mua cao chè vằng cần tìm hiểu nguồn gốc cơ sở kinh doanh, chứng minh sự đảm bảo về chất lượng của cao. Nhiều trường hợp sử dụng cao chè vằng không đem lại hiệu quả, sau khi dùng chè vằng nguyên cây đã có nhiều kết quả tốt cho sức khỏe.
Chè vằng có mấy loại?
- Chè vằng có 2 loại gồm : Vằng sẻ và vằng trâu. (Còn một loại vằng núi mọc dại không được gọi là chè vằng vì không có tính chữa bệnh)
- Vằng trâu lá to, dày và màu đậm, thân cứng và không sử dụng làm thuốc và nước uống. Để tránh trường hợp mua phải vằng trâu sử dụng, người tiêu dùng nên chọn nhà sản xuất uy tín, chất lượng đã được kiểm nghiệm lâu năm để tránh trường hợp không tốt cho sức khỏe.
- Vằng sẻ lá bé, mỏng và nhạt, thân bé. Dùng rất tốt, nước đậm và thơm. Có nhiều tác dụng chữa bệnh
Đối tượng nào không nên dùng Chè vằng
- Chè vằng có tác dụng tốt đối với người Cao huyết áp, người huyết áp thấp sử dụng sẽ xảy ra 1 số trường hợp chóng mặt, nhức đầu...những trường hợp này nên giảm tỷ lệ sử dụng hoặc tạm dừng sử dụng.
- Phụ nữ mang bầu nên hạn chế dùng chè vằng, không thể uống chè vằng thay nước như các trường hợp khác. Ba tháng đầu không được dùng vì gây co bóp dạ con. Qua ba tháng có thể uống ít và loãng để giải nhiệt và kháng viêm trong một số trường hợp cụ thể.
Dùng Chè vằng nhiều có hại không?
Bằng chứng lành tính của Chè vằng là nhiều người ở Miền trung dùng chè vằng thay nước uống hằng ngày quanh năm và cho sức khỏe rất là tốt. nên dùng Chè vằng hằng ngày để tốt cho sức khỏe. Với phụ nữ sau khi sinh nên dùng Chè vằng ít nhất trong giai đoạn cho con bú để nhiều sữa, sữa mát, và tác dụng tiêu mỡ, giảm cân cho phụ nữ sau khi sinh.
Chè vằng có khó uống?
Chè vằng vị đắng, ngọt hậu sau khi uống, mùi thơm rất dễ chịu. Nếu người dùng không quen vị đắng ( như trái Khổ qua) thì có thể gặp khó khăn trong lần đầu sử dụng. Sẽ thấy quen và dần thích uống Chè vằng sau khoảng 3 ngày. Nếu đã quen với các loại nước có vị đắng thì Chè vằng sẽ là nước uống ưa thích hằng ngày của bạn. Lúc đầu có thể thêm 1 ít đường để uống ngon hơn, nếu sử dụng lâu dài và thường xuyên thì nên uống nguyên chất để Chè vằng tác dụng tốt. Vị đắng cho sức khỏe ngọt ngào!