Tại sao nước trà lại chuyển màu sữa khi cho đá vào? Trà để lâu chuyển sang màu đỏ, cách bảo quản trà?

Chia sẻ bài viết cho bạn bè

Việc nước trà pha đặc lập tức chuyển sang màu trắng đục như sữa ông thọ khi cho đá vào là hiện tượng hết sức bình thường và thường gặp. Nhiều người sẽ tỏ ra thích thú, cảm thấy nó thật tuyệt vời và chăm chú theo dõi quá trình này. Vì sao trà lại đổi thành màu sữa khi bị làm lạnh, bị chuyển màu đỏ khi để lâu chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này.

Nước trà chuyển sang màu trắng sữa khi bị làm lạnh

Trà chuyển sang màu trắng sữa là do hợp chất Tanin bị làm lạnh đột ngột.

Vì sao trà lại đổi thành màu sữa khi bị làm lạnh?

Trong trà xanh có một hợp chất gọi là chất TANIN. Tanin nằm trong nhóm hợp chất polyphenol, các phần tử có trong hợp chất hoá học này lớn hơn nhiều so với các loại khác cùng nhóm. Tanin có thể kết hợp với một số phân tử khác. Điển hình như protein hay khoáng chất.

Hợp chất này có nhiều trong các loài thực vật. Có những loài có thể sử dụng làm thực phẩm, có những loại không sử dụng được. Ví dụ như lá, quả, các loại rau, đậu,… Đối với thực vật, tanin giống như một chất có tác dụng bảo vệ. Hợp chất này có tác dụng ngăn sâu bệnh phát triển, tấn công thực vật.

Cấu trúc hóa học của Tanin

Cấu trúc hóa học của Tanin.

Ngoài ra, tanin cũng đóng vai trò trong việc tạo nên hương vị đặc trưng cho nhiều loại thực phẩm. Điển hình như các loại trà, cà phê hay socola. Tanin trong trà tạo nên hương vị đặc trưng của từng loại trà. Chính vì vậy, không ít người cho rằng, cái ngon của trà một phần là nhờ hợp chất tanin.

Khi chúng ta pha trà đặc sẽ có 1 lượng lớn hợp chất Tanin tồn tại trong cốc nước chè của chúng ta. Khi chúng ta đột ngột cho một lượng lớn đá vào cốc, nước trà đang từ màu vàng cốm hoặc vàng sẽ đột ngột chuyển thành những dòng nước có màu trắng đục như sữa. Điều này là hết sức bình thường và xảy ra là do hợp chất Tanin bị làm lạnh một cách đột ngột.

Việc nước trà bị chuyển màu trắng đục sẽ không làm ảnh hưởng gì khi chúng ta uống. Vì vậy bạn không lên hoang mang hoặc suy diễn và hoàn toàn có thể thưởng thức ly trà đá và ngắm nhìn sự kỳ diệu này.

Vì sao trà bị chuyển màu đỏ khi để lâu?

Cây trà nói chung chứa nhiều chất có tính chống oxi hóa, đại diện là họ catechin, chúng có đặc tính bắt lấy các gốc tự do, làm tắt khả năng oxi hóa theo cơ chế gốc tự do vốn xảy ra rất phổ biến trong các loại dầu, mỡ, và trong cơ thể sống (một phần nguyên nhân của hiện tượng lão hóa theo thời gian). Họ catechin bao gồm các chất: gallocatechin(GC); epigallocatechin (EGC); epicatechin(EC); epigallocatechin gallate(EGCG); gallocatechin gallate(GCG); epicatechin gallate(ECG); catechin gallate(CG); gallic acid(GA), và các đồng phân quang học của chúng.

Một điều đặc biệt là các chất họ catechin bị thay đổi cấu trúc, hoạt tính dưới tác dụng của nhiệt độ, và các yếu tố môi trường. Vì thế, việc chúng tồn tại ở dạng nào trong thức uống của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào cách mà ta chế biến chẳng hạn như: nhiệt độ của nước dùng pha chè, loại nước(thành phần các chất hòa tan trong nước) mà ta dùng, điều kiện khí hậu,…

Trong trà thì các dạng gallate có hàm lượng nhiều nhất, và cũng ít bị biến đổi hơn các dạng khác trong quá trình chế biến do tác dụng nhiệt. Còn các dạng (+)-catechin và (-)-epicatechin sẽ có khá ít trong các loại trà sau khi pha, mặc dù đó là hai dạng có hoạt tính chống oxi hóa mà theo một số nghiên cứu là mạnh nhất trong nhóm các catechin vừa kể. Ví dụ như: khi tăng nhiệt độ dùng để pha trà thì lượng (+)-catechin và (-)-epicatechin sẽ giảm khi đó chúng sẽ chuyển sang các dạng có ít hoạt tính hơn như EGCG, GCG,… hoặc khi để lâu ngoài không khí thì nước trà lúc đầu có màu vàng nhạt (màu sắc tùy thuộc vào từng loại trà) sẽ chuyển sang màu đỏ thẫm.

Đồng thời với quá trình đó là sự biến đổi dạng của các catechin có trong nước trà. Một số nghiên cứu cho thấy rằng pha chè ở nhiệt độ nước từ 75 đến 90 độ C là tốt nhất vì lúc đó nước chè giữ lại được nhiều nhất những dạng catechin có hoạt tính mạnh, hơn nữa sau khi pha xong thì nên dùng ngay khi nước trà còn đang nóng, với các loại nước có nhiều muối khoáng thì các catechin có hoạt tính mạnh cũng giảm đi đáng kể.

Từ đó chúng ta có thể hiểu rằng trường hợp 1 là trà khi để lâu ở ngoài không khí sẽ bị oxi hóa, đặc biệt khi bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ dẫn đến màu nước chuyển dần từ xanh sang vàng và đỏ thẫm theo thời gian, càng để lâu thì nước càng đậm màu.

Trường hợp 2 là nhiều người thường có thói quen pha trà và ngâm trà trong ấm để uống dần cả buổi hoặc cả ngày, việc ngâm trà trong ấm sẽ khiến trà bị chín nẫu, mùi vị nồng và đỏ nước. Điều kị nhất khi pha trà là không được ngâm nước trà trong ấm mà khi hãm trà xong phải rót hết nước ra chén ngay để tránh làm mất hương vị thơm ngon vốn có của trà. Đây là phản ứng hoàn toàn tự nhiên của trà xanh nguyên chất.

Cách bảo quản trà để không bị đổi màu, biến chất?

Để giữ cho trà luôn được thơm ngon và không bị biến chất bị hỏng thì bạn nên chú ý một số vấn đề sau:

  • Nên mua trà ở những cơ sở bán trà uy tín.
  • Mua trà mới với bao bì ngoại hình còn mới và sạch sẽ.
  • Không nên để túi trà tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời, nhiệt độ cao.
  • Không để trà ở những nơi ẩm thấp, độ ẩm cao.
  • Trà cần được đóng gói hút chân không.
  • Gói trà đã bóc ra để sử dụng phải được bảo quản tốt. Sử dụng hộp gỗ, thủy tinh, hộp thiếc,... có lắp đậy kín để bảo quản trà.
  • Trà đã bóc ra để sử dụng, nên dùng hết trong vòng 2-3 tuần để đảm bảo chất lượng.

Trên đây là một số thông tin mà đặc sản trà Minh Nghĩa cung cấp cho các bạn để hiểu hơn về các hợp chất và sự biến đổi của nước trà cũng như bảo quản trà sao cho đúng cách.

Facebook Chat
Zalo sms